IT Support Page

Hướng dẫn Công nghệ thông tin tóm tắt, cập nhật tháng 09.2024

  1. Khuyến cáo:

+ Khuyến cáo sinh viên dùng hệ điều hành Windows 10 hoặc Windows 11 trên máy tính laptop cá nhân để tương thích tốt với các hệ thống CNTT và phần mềm của trường ĐH FPT Đà Nẵng (FPTU Đà Nẵng, sau đây gọi tắt là Trường).

+ Truy cập IT Support Page (ISP), https://lmsdn.fpt.edu.vn/hd để xem tất cả hướng dẫn sử dụng, các hướng dẫn sửa các lỗi thường gặp.

+ Dùng dịch vụ Live support chatbox trên IT Support Page để được hỗ trợ trực tiếp online nhanh nhất.

+ Trong các gói phần mềm thi (EOS, SEB, PEA,…) cũng đều có hướng dẫn cài đặt, sử dụng đi kèm. Sinh viên cần đọc và thực hiện theo đúng từng bước các hướng dẫn này để có thể cài đặt, sử dụng thông thạo các phần mềm đó.

2. FeID:

Khi đăng ký nhập học sinh viên cung cấp địa chỉ email cá nhân (nên dùng email @gmail.com) với Trường để cập nhật thông tin lên hệ thống định danh của FPT Education có tên gọi tắt là FeID.

Sau khi Trường cập nhật thông tin email của sinh viên lên hệ thống FeID thì sinh viên mới có thể đăng nhập FAP bằng tài khoản email cá nhân đã đăng ký đó.

3. FPT University Academic Portal (FAP):

Hệ thống FAP tại địa chỉ https://fap.fpt.edu.vn, là hệ thống đăng tải các thông tin nội bộ của Trường.

Sinh viên cần truy cập FAP thường xuyên để cập nhật thông tin cần thiết cho mình.

Đăng nhập bằng FeID theo trình tự các bước các như hình sau:

Chọn campus FU-Đà Nẵng => bấm chọn “Login with FeID”

Login bằng tài khoản email cá nhân đã đăng ký với Trường khi nhập học.

Nếu email đã đăng ký là @gmail.com thì bấm vào nút “Email fpt.edu.vn hoặc Gmail”, nếu email của Microsoft thì bấm chọn nút “Microsoft Email” rồi đăng nhập để vào hệ thống.

Giao diện FAP sau khi đăng nhập thành công như hình sau:

4. Tài khoản nội bộ FPTU Đà Nẵng:

Mỗi sinh viên được cấp 01 tài khoản nội bộ của FPTU ĐN, tài khoản này dùng để đăng nhập mạng wifi FPT University, mạng wifi Exam tại nhà Alpha và nhà Gamma, campus ĐH FPT Đà Nẵng và dùng để đăng nhập hệ thống quản trị học tập https://lmsdn.fpt.edu.vn cũng như đăng nhập các hệ thống thi, phần mềm thi như EOS, SEB, PEA,… để làm bài thi hoặc bài kiểm tra tiến trình.

Vì tài khoản này liên quan trực tiếp đến việc kiểm tra, thi cử và sử dụng để truy cập các hệ thống công nghệ thông tin của Trường trong suốt quá trình học tập nên sinh viên phải tự bảo vệ thông tin tài khoản của mình, không đặt password quá đơn giản, dễ đoán, không để lộ thông tin cho người khác,… Mọi gian lận thi cử, chống phá hệ thống công nghệ thông tin của Trường cũng như các sai phạm khác trong quá trình học tại Trường mà xuất phát từ tài khoản của sinh viên nào thì tùy theo mức độ sai phạm mà sinh viên đó sẽ chịu trách nhiệm liên quan.

Theo chính sách tài khoản áp dụng trên hệ thống mạng của FPTU Đà Nẵng thì tài khoản nội bộ này buộc phải thay đổi mật khẩu (password) trong vòng 90 ngày kể từ lần thay đổi password liền trước đó.

Hệ thống sẽ gửi email cảnh báo tự động bắt đầu từ khi còn 7 ngày nữa là hết hạn password, mỗi ngày hệ thống sẽ gửi 1 email nhắc nhở cho đến khi password được thay đổi. Hết thời hạn 7 ngày kể trên, vẫn còn hạn 3 ngày nữa để chủ tài khoản thay đổi password, nếu hết hạn 3 ngày này mà password vẫn chưa được thay đổi thì tài khoản (account) sẽ bị khóa.

– Tài khoản (account) này có:

Username: Là mã sinh viên, bao gồm cả phần chữ và số. Ví dụ: de180001

Password: Password (mật khẩu) khởi tạo là 123@123a

Phải thay đổi password này để kích hoạt, sau đó mới sử dụng được. Password tối thiểu là 8 ký tự, không chứa mã số sinh viên và không trùng với password cũ.

– Bạn có thể thay đổi (change) hoặc đặt lại password mới (reset, bằng cách gửi đường link để đặt lại password mới qua địa chỉ email mà bạn đã đăng ký với Trường) bằng hệ thống Self Service Password như mục 5.1 của file này hoặc trang hướng dẫn tại địa chỉ https://lmsdn.fpt.edu.vn/hd/resetdn.

– Hoặc nếu đăng nhập mạng wifi FPT University (mạng wifi này có tại nhà Alpha và nhà Gamma campus ĐH FPT Đà Nẵng) lần đầu tiên bằng máy tính dùng Windows 10 hoặc Windows 11 với password khởi tạo, hệ thống sẽ yêu cầu bạn đặt password mới, hãy nhập password mới (2 lần tại khung new password và confirm new password) để tạo password mới và đồng thời kích hoạt tài khoản. Từ khi tài khoản được kích hoạt thì bạn có thể dùng tài khoản này để đăng nhập wifi FPT University và wifi Exam (tại nhà Alpha và nhà Gamma ĐH FPT Đà Nẵng) trên tất cả các thiết bị của bạn cũng như đăng nhập hệ thống quản trị tài nguyên học tập LMSDN tại https://lmsdn.fpt.edu.vn. Nếu bạn dùng máy tính chạy hệ điều hành khác (như Ubuntu, Mac OS,…) hoặc smartphone để kết nối vào mạng wifi FPT University thì bạn phải đổi password trước, sau đó mới đăng nhập mạng wifi FPT University được, hãy xem hướng dẫn Self Service Password như vừa nêu trên để đổi password.

Hình ảnh kết nối mạng wifi FPT University lần đầu và đổi password tài khoản nội bộ ngay trên giao diện kết nối wifi của Windows 10.

5. Các hệ thống xác thực bằng tài khoản nội bộ FPTU Đà Nẵng:

5.1. Self Service Password (SSP), tại địa chỉ https://resetdn.fpt.edu.vn

Để tiện lợi và nhanh chóng cho người sử dụng, phòng CNTT đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống Self Service Password (SSP), là hệ thống cung cấp dịch vụ cho phép người dùng tự đổi password khi vẫn còn nhớ password hiện tại. Hoặc tự reset lại password mới khi đã bị quên password hiện tại, bằng cách yêu cầu gửi link reset qua địa chỉ email đã đăng ký với Trường (với SV) và @fe.edu.vn với CBGV, sau đó truy cập vào đường link được nhận qua email đó để tự đặt password mới.

Cụ thể 2 tính năng của hệ thống như sau:

5.1.1. Thay đổi password – Change password (người dùng vẫn còn nhớ password hiện tại):

Truy cập link https://resetdn.fpt.edu.vn

Nhập các thông tin sau:

Login: Nhập account nội bộ mạng FPT University Đà Nẵng (là account mạng wifi FPT University, cũng là account để sinh viên đăng nhập vào thi bằng phần mềm EOS Client, SEB,…), với SV thì account này là mã SV (ví dụ: de181001).

Old password: Nhập password hiện tại.

New password: Nhập password mới (8 ký tự trở lên).

Confirm: Nhập password mới, giống với password đã nhập ở “New password” ở trên.

Bấm vào nút để hoàn tất việc change password.

Nếu thành công sẽ xuất hiện màn hình thông báo Your password was changed như sau:

5.1.2. Đặt password mới qua tính năng gửi link reset password qua email (email cá nhân đã đăng ký với Trường hoặc email @fpt.edu.vn đối với SV, @fe.edu.vn đối với CBGV):

Nếu bạn bị quên password thì bạn có thể đặt lại (reset) password mới bằng cách yêu cầu 1 link để đặt password mới đến địa chỉ email mà bạn đã đăng ký với Trường hoặc Trường đã cung cấp cho bạn, như sau:

Bạn vào link https://resetdn.fpt.edu.vn, rồi bấm chọn vào

(hoặc vào thẳng link https://resetdn.fpt.edu.vn/index.php?action=sendtoken)

Login: Nhập ID (username) nội bộ mạng FPTU Đà Nẵng (là mã sinh viên đối với người dùng là sinh viên hoặc ID mail với người dùng CBGV, ví dụ: de181001, HieuNT5).

Bấm vào nút Send để gửi email chứa link reset password (mỗi link reset này chỉ dùng được 1 lần trong vòng 10 phút kể từ khi bấm nút Send nêu trên).

Nếu thành công sẽ xuất hiện trang A confirmation email has been sent như sau:

Sau khi nhận được email, bạn bấm vào link bên trong email đó để thay đổi password mới.

Nhập password mới, tối thiểu là 8 ký tự, không chứa mã sinh viên trong đó (2 lần, ở New password và Confirm), rồi bấm vào nút Send để đặt password mới.

Nếu thành công sẽ xuất hiện màn hình Your password was changed như sau:

5.2. Phần mềm thi EOSClient:

Phần mềm dùng để thi kết thúc môn chính thức hiện nay là phần mềm EOSClient. Sinh viên phải cài đặt và kiểm tra kỹ phần mềm bằng cách thi với các exam code mà Khảo thí cung cấp (xem FAP để biết thông tin cập nhật từ Khảo thí). Sau khi mở đề 10 phút mà SV vẫn chưa vào thi được bài thi thì không được thi môn đó nữa.

Sinh viên tải phần mềm EOS_Client phiên bản mới nhất từ trang FAP của Trường (sẽ được cập nhật thường xuyên trên trang FAP) hoặc trên IT Support Page tại địa chỉ https://lmsdn.fpt.edu.vn/hd/eos/.

Giải nén ra thành folder (bấm nút phải chuột rồi chọn Extract), mở folder vừa giải nén đó.

Phải kết nối mạng wifi Exam tại Trường thì mới thi bằng phần mềm thi EOS_Client được

Chạy file Exam.cmd với quyền Administrator (Bấm nút phải chuột vào file Exam.cmd, chọn Run as administrator)

Nhập Exam code (do cán bộ giám thị cung cấp), Username và password mạng nội bộ của ĐH FPT cơ sở Đà Nẵng (là tài khoản đăng nhập mạng wifi FPT University, wifi Exam.

Bấm vào nút Login để đăng nhập.

Nếu thông tin tài khoản, exam code chính xác và môn thi đã được mở thì sinh viên sẽ nhận được giao diện làm bài thi như sau.

Đối với các môn thi Listening (tiếng Anh, Nhật, Trung…) thì sinh viên cần nhập Open Code (được cung cấp bởi cán bộ coi thi), trước khi nhập Open Code, sinh viên nên đọc kỹ hướng dẫn làm bài (nếu có) .

Bài thi có thể có nhiều phần thi (Reading, Multiple choices,…). Tại mỗi phần thi, sinh viên chọn đáp án của từng câu hỏi và bấm nút Next để chuyển sang câu hỏi tiếp theo. Sinh viên bấm Next đến câu cuối cùng thì nó lại quay về câu hỏi đầu tiên. Sinh viên có thể chuyển qua lại giữa các phần thi bằng cách bấm vào tên phần thi (Reading, Multiple choices,…).

Hướng dẫn sinh viên nộp bài

Để nộp bài thì sinh viên tick chọn vào “I want to finish the exam.” sau đó bấm nút Finish.

Sau khi bấm Finish, sẽ hiện ra thông báo “Ready to finish the exam, bấm Submit to Finish”, SV bấm Submit để kết thúc bài thi.

Xử lý các sự cố khi thi:

Khi đang thi, máy sinh viên bị mất kết nối mạng. Màn hình thi sẽ có thông báo sau:

“Save at Server Failed! Please inform the supervisor and continue the exam”

Với trường hợp này thì sinh viên thông báo về tình trạng mất kết nối mạng của mình với giám thị và tiếp tục làm bài bình thường, khi có kết nối mạng trở lại thì thông báo này tự biến mất.

Hết giờ thi hoặc sinh viên muốn nộp bài mà khi đó dòng thông báo trên vẫn xuất hiện thì sinh viên báo với giám thị và sau đó thực hiện như sau:

Bấm Finish vài lần. Nếu vẫn không nộp bài thành công thì kiểm tra lại kết nối mạng và bấm lại nút Finish. Sau vài lần mà không có kết quả thì báo lại giám thị để giám thị copy bài làm của sinh viên.

Khi đang thi máy của sinh viên bị treo và phải khởi động lại, sinh viên báo cho giám thị để được xử lý.

6. Chức năng hỗ trợ của phòng Công nghệ thông tin

Phòng công nghệ thông tin ĐH FPT hỗ trợ sinh viên các vấn đề sau:

Vấn đề về các tài khoản (tài khoản nội bộ FPTU Đà Nẵng và tài khoản email @fpt.edu.vn).

Vấn đề về phần mềm thi, hệ thống thi.

Các lỗi phần mềm ứng dụng đơn giản.

7. Tư vấn mua laptop

Tùy theo nhu cầu sử dụng, tùy theo yêu cầu về hình thức bên ngoài, tùy theo khả năng tài chính mà sinh viên lựa chọn máy tính laptop phù hợp nhưng trước hết là phải đáp ứng được yêu cầu tối thiểu để phục vụ việc học tập tại trường.

Với chuyên ngành kỹ thuật phần mềm bạn cần một máy tính có bộ vi xử lý mạnh (CPU mạnh), một không gian lưu trữ tương đối lớn (HDD-ổ đĩa cứng hoặc/ và SSD-ổ đĩa thể rắn lớn).

Đối với chuyên ngành đồ họa thì ngoài bộ vi xử lý mạnh (CPU mạnh), các bạn cần phải lựa chọn laptop có bộ xử lý đồ họa riêng (GPU riêng, thường gọi là card VGA rời hoặc card màn hình rời) với bộ nhớ đồ họa lớn (RAM màn hình lớn, graphic memory lớn) và chuyên biệt hơn để xử lý nhanh và tốt các ứng dụng đồ họa.

Với các bạn học các ngành kinh tế hoặc học các ngành ngôn ngữ thì chỉ cần máy laptop cấu hình vừa phải vì không phải đòi hỏi cao về khả năng xử lý tính toán cũng như hình ảnh.

Để truy xuất dữ liệu được nhanh thì máy tính cũng cần bộ nhớ lưu trữ có khả năng đọc và ghi nhanh. Để có được khả năng đọc và ghi nhanh hơn HDD, bạn hãy chọn SSD. Có rất nhiều loại SSD với chất lượng rất khác nhau. Nếu bạn dự định mua để cắm thêm SSD vào máy laptop đang có HDD hoặc thay thế HDD hiện tại trong laptop bằng SSD thì hãy xem kỹ tham số đọc và ghi dữ liệu của SSD mà bạn dự định mua đó, tốc độ đọc và ghi của SSD càng lớn thì khả năng đọc và ghi càng nhanh. Khi chọn mua máy tính, bạn nên chọn mua máy dùng bộ nhớ lưu trữ là ổ đĩa SSD, không chọn mua loại ổ đĩa HDD.

Nên lựa chọn mua máy tính dùng hệ điều hành Microsoft Windows 10 hoặc Windows 11 vì các hệ thống và phần mềm của Trường tương thích tốt nhất với hệ điều hành Windows 10 hoặc Windows 11. Đặc biệt, phần mềm thi kết thúc môn học (là phần mềm EOS) chỉ dùng được trên hệ điều hành Windows, không có phiên bản dành cho các hệ điều hành khác (như MAC OS, Ubuntu,…) nên không dùng được trên các hệ điều hành đó.

Nếu bạn dùng máy tính Macbook thì phải cài thêm hệ điều hành Windows 10 hoặc Windows 11 trên máy thật (tức là cài song song 2 hệ điều hành MAC OS và Windows 10 hoặc Windows 11 trên máy tính Macbook thật, chứ không phải cài Windows 10 hoặc Windows 11 trên máy tính ảo chạy bên trong hệ điều hành MAC OS của máy Macbook). Điều này chỉ thực hiện được trên máy Macbook dùng CPU Intel, các máy Macbook đời mới dùng CPU nền ARM như Apple M1, M2 hiện tại vẫn chưa thực hiện được, bạn nên cân nhắc khi mua máy Macbook vì hiện tại phần mềm thi kết thúc môn (EOS_Client) chỉ dùng được trên hệ điều hành Windows.

Có thể tóm tắt thông tin tư vấn mua laptop như bảng sau:

NgànhThiết kế đồ họaKỹ thuật phần mềmCác ngành còn lại
Yêu cầu tối thiểuCPU Core I5

RAM 8GB

SSD >= 512GB

VGA card >=2GB

CPU core I3

RAM 8GB

SSD >= 256GB

Không cần có VGA rời

CPU Pentium G

RAM 8GB

SSD >= 256GB

Không cần có VGA rời

Khuyến cáoCPU Core I7

RAM >=16GB

SSD >= 512GB

VGA card >=4GB

CPU Core I7/I5

RAM >=8GB

SSD >=512GB

Không cần có VGA rời

CPU Core I7/I5/I3

RAM >=8GB

SSD >=256GB

Không cần có VGA rời

8. Thông tin liên hệ

Phòng Công nghệ thông tin

Phòng 1004, tòa nhà Alpha, FPT University Đà Nẵng

Các vị trí hỗ trợ Công nghệ thông tin:

1. Tòa nhà Alpha: Tại phòng dịch vụ sinh viên;

2. Tòa nhà Gamma: Tại thư viện.

Email: [email protected]

Website hỗ trợ Công nghệ thông tin: IT Support Page: https://lmsdn.fpt.edu.vn/hd, with live support chatbox!

CÙNG ĐI TỚI THÀNH CÔNG!

Phòng Công nghệ thông tin * tháng 09 năm 2024